Home | Thông tin Nhật Bản | Lý do có sự khác biệt trong mức lương của người Nhật Bản xứ với người lao động nước ngoài tại Nhật

Lý do có sự khác biệt trong mức lương của người Nhật Bản xứ với người lao động nước ngoài tại Nhật

Thỉnh thoảng vẫn thấy người Việt Nam đang làm việc ở Nhật than thở vì lương thấp không xứng đáng với sức lao động bỏ ra. Có những trường hợp là than thở theo trào lưu để giải toả bức xúc nhưng cũng có những người nắm thông tin không chính xác về lương khi làm việc tại Nhật nên đã có những phản ứng tiêu cực hay đi đến những quyết định sai lầm, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống gia đình cả một thời gian dài. Nhằm giúp những người sắp đi Nhật làm việc hay cả những người đang làm việc tại Nhật đang bất mãn với mức lương của bản thân có cái nhìn thực tế hơn về những chuyện liên quan đến lương bản thân sắp hay đang nhận, bài viết này sẽ nêu ra một số vấn đề liên quan đến mức lương của lao động nước ngoài tại Nhật nói chung và của người Việt Nam đang làm việc tại Nhật nói riêng như: Thật sự có sự chênh lệch về lương giữa người nước ngoài và người nhật hay không? Lý do của sự chênh lệch này là gì? Có thể sẽ có một số điểm được nêu ra đụng chạm tự ái của một số người nhưng người viết không thể viết khác vì đây là sự thật.

1/ Có chuyện lương của người nước ngoài thấp hơn người Nhật hay không?

Về mặt trên danh nghĩa luật pháp thì tại Nhật không có sự phân biệt giữa lương của lao động người nước ngoài và nhười Nhật. Cụ thể, trong luật lao động của Nhật không có sự phân biệt giữa lao động người Nhật và người nước ngoài. Nghĩa là mọi người bình đẳng như nhau( về mặt luật pháp). Một dẫn chứng nữa là quy định về lương khi công ty Nhật nhận kỹ sư người nước ngoài có nội dung: Lương của kỹ sư người nước ngoài phải bằng hoặc cao hơn lương của người Nhật cùng chức vụ( vị trí). Có nghĩa là để nhận kỹ sư người nước ngoài thì công ty phải trả lương ngang hoặc cao hơn kỹ sư người Nhật. Đây là điều kiện tối thiểu bắt buộc đối với các công ty.

2/Thực tế thì có sự khác biệt về lương giữa người nước ngoài và người Nhật không?

Câu trả lời ngắn gọn là: Có!

Dù luật quy định phải bình đẳng như đã nói ở trên kia nhưng luật bao giờ cũng tồn tại lỗ hổng nên ở Nhật vẫn có sự phân biệt giữa lương người nước ngoài và người Nhật một cách hợp pháp.

Một số ít công ty chơi bài ngửa ngay từ đầu bằng cách giải thích luôn với lao động người nước ngoài là “ do tiếng Nhật kém nên lương sẽ tầm này tầm này”. Còn nữa nhiều công ty lại giải thích là không phân biệt quốc tịch mà chỉ dựa vào khả năng làm việc và thâm niên để trả lương. Tuy nhiên thực tế thì vẫn có sự khác biệt giữa lương người Nhật và người nước ngoài. Nhiều trường hợp dù có giống nhau về phần lương cơ bản thì những phần khác như trợ cấp, bảo hiểm sẽ có sự phân biệt rõ nét.

3/Lý do vì sao lại có sự khác biệt ?

+Thuê người nước ngoài tốn kém hơn thuê người Nhật:

Khi tuyển dụng người nước ngoài vào làm thì các công ty Nhật buộc phải chi những khoản phụ mà họ không phải chi khi tuyển dụng người Nhật. Trước hết đó là phí môi giới, phí đi phỏng vấn (vé máy bay, khách sạn, thời gian đi phỏng vấn). Rồi kế đến là do đa số người nước ngoài tiếng Nhật kém, không có kiến thức về văn hóa, phong tục Nhật Bản nên các công ty buộc phải nhờ bên thứ ba quản lý, phiên dịch (nhằm giải quyết khi xảy ra khúc mắc giữa lao động và công ty). Đây cũng là khoản tiền khá lớn công ty phải chi. Nhìn từ phía công ty thì chi trả lương cho lao động hay chi cho công ty bên ngoài để quản lý lao động đều là khoản chi ra cả và buộc các công ty phải cân đối với lương của lao động để bù vào các khoản chi tiêu khác.

+Công sức phải bỏ ra nhiều hơn thuê người Nhật:

Không những tốn kém ở khâu tuyển dụng, quản lý trong công việc mà đa số trường hợp là khi thuê người nước ngoài làm việc công ty phải đứng ra bảo lãnh hay phải chịu trách khi người nước ngoài đó có vấn đề gi trong cuộc sống. Lao động người nước ngoài bị ốm công ty phải đưa đi viện. Lao động người nước ngoài đổ rác không đúng cách hay ồn ào công ty là nơi để hàng xóm kè nhè. Đây là những khoản thuộc “ trách nhiệm cá nhân” và công ty sẽ không phải đụng đến khi thuê lao động người Nhật. Tất nhiên những việc không tên này công ty cũng phải tốn công sức và thời gian.

+Quản lý lao động người nước ngoài cần nhiều công sức hơn quản lý lao động người Nhật:

Đa số người Nhật có tính tự giác nên thường công ty không phải theo quản lý khắt khe. Với người nước ngoài lại khác. Cũng có người nước ngoài chăm chỉ hơn cả người Nhật. Nhưng đa số lại phải có sự quản lý chặt chẽ mới làm việc. Có mặt quản lý thì làm việc chỉn chu. Vắng mặt quản lý thì đại khái. Rút cuộc công ty buộc phải tốn thêm chi phí để trả cho vị trí quản lý, đôn đốc nếu muốn duy trì tình trạng làm việc ổn định.

+Khác biệt trong quan niệm:

Dù hiện tại quan niệm của giới trẻ Nhật về việc gắn bó, trung thành với công ty đã thay đổi thì so với nước ngoài, người Nhật vẫn có khuynh hướng trung thành với công ty và gắn bó làm việc lâu dài hơn hơn người nước ngoài. Trong khi người Nhật có khuynh hướng không để ý mức lương lúc mới vào làm mà chú trọng đến sự cống hiến lâu dài thì người nước ngoài( bao gồm cả người Việt Nam) lại chú trọng đến mức lương trước mắt và không để ý đến sự gắn bó, cống hiến. Điều này dẫn đến việc người nước ngoài có xu hướng đòi lương cao ngay khi vào làm và sẽ nhảy việc ngay nếu cảm thấy không vừa lòng. Nguy cơ bị nhảy việc chính là rủi ro đối với các công ty Nhật. Và chủ doanh nghiệp Nhật sẽ ít khi chịu chi trả nhiều lương cho đối tượng lao động sẽ nhảy việc bất cứ khi nào.

4/ Ai tốt ai xấu ?

Có người sẽ công ty Nhật không trả lương cho người nước ngoài như người Nhật là xấu. Là bóc lột. Người khác lại đổ lỗi cho lao động người nước ngoài đòi hỏi quá nhiều. Đổi góc độ nhìn nhận đi chúng ta sẽ có kết luận khác nhau về chuyện “tốt”, “xấu”. Là một người đã từng nếm vị cay đắng của chuyện phân biệt đối xử tại Nhật nhưng người Viết không muốn đưa ra kết luận bên nào tốt bên nào xấu. Bởi lẽ công bằng mà nói sẽ khó có thể đưa ra kết luận chính xác và thuyết phục tất cả người đọc.

Một thực tế cần nhìn nhận là gánh nặng công ty phải gánh khi thuê lao động người nước ngoài là lớn hơn khi thuê lao động người Nhật. Đây cũng là một lý do công ty buộc phải giảm lương/ thưởng của lao động người nước ngoài để chi cho các khoản khác.

Hơn nữa, nếu đứng về phía công ty thì mục đích là giảm kinh phí để tăng lợi nhuận nên họ sẽ tìm mọi cách để giảm tối thiểu tiền lương phải chi trả cho lao động. Vì thế “người nước ngoài” là cái cớ tốt để công ty giảm mức lương phải chi trả.

Ngược lại, đứng từ góc độ người lao động thì tâm lý “lương càng cao càng tốt” cũng là dễ hiểu. Đa phần là do nhiều người không nhìn thấy những rủi ro công ty phải gánh khi thuê lao động người nước ngoài nên cảm thấy bất bình khi lương của bản thân thấp hơn người Nhật cũng là điều dễ hiểu.

5/Đôi lời cùng các bạn người Việt đang hay sắp qua Nhật làm việc:

Ngoài những lý do đã nêu trên ra thì Nhật Bản là nơi mà sự kỳ thị người nước ngoài vẫn còn khá mạnh thì mong muốn có sự bình đẳng lương với người Nhật không khác gì mong mẹ ghẻ thương yêu con chồng như con đẻ cả. Thay vì bức xúc thì hãy chấp nhận nó là một thực tế thì sẽ nhẹ lòng hơn là ấm ức, bức xúc với nó.

Liệu trước khi trách họ “ kỳ thị” thì bản thân từng người Việt chúng ta có tự hỏi xem chúng ta có tư tưởng kỳ thị không? Thường ngày nhiều người vẫn hay buột miệng “ Đến Lào hay Căm Pu Chia còn….” chính là sự kỳ thị. Hay câu cửa miệng “ Người Nhật nói vậy”( một cách ngầm công nhận cứ Nhật là đúng 100%) rồi tự hạ thấp bản thân, khép nép trước người Nhật chính là hành động khuyến khích họ kỳ thị chúng ta nhiều hơn.

Hơn nữa, nhiều người muốn được đối xử bình đẳng như người bản xứ nhưng không chịu khó tự trau dồi bản thân. Cụ thể là tiếng Nhật không chịu học( qua cả năm nhưng địa chỉ nhà ở, tên công ty cũng không tự viết được) phong tục tập quán không chịu làm quen( mở nhạc ồn ào, vứt rác không đúng cách v.v…), làm việc thì cần phải quản lý (phải có mặt quản lý mới làm chỉn chu), sẵn sàng bỏ công ty lúc khó khăn (dù khi khó khăn công ty tạo điều kiện cho đi nữa thì khi công ty gặp khó khăn sẵn sàng nhảy việc ngay)… Đây là những yếu tố khiến cho công ty dù muốn cũng không thể cư xử với lao động Việt Nam như người Nhật.

Cũng cần nói thêm nếu ai mong làm việc nhẹ nhàng rồi nhận lương cao tại Nhật thì nên nhớ một điều ở Nhật có quan niệm những công việc nguy hiểm, bẩn thỉu, nặng nhọc người Nhật không làm mới cần thuê người nước ngoài. Do vậy sẽ là một sai lầm lớn nếu ai đó mong qua Nhật làm việc nhẹ nhàng hưởng lương cao. Nếu bạn không có chuyên môn cũng như không có khả năng tiếng tốt mà muốn lương cao thì chỉ còn cách làm việc cật lực, chấp nhận những công việc nặng nhọc, nguy hiểm mà thôi.

Nói tóm lại thay vì kỳ vọng vào việc nhận lương giống người Nhật rồi thất vọng ê chề thì nên chấp nhận sự thật có sự khác biệt giữa lương của người Nhật và lao động người nước ngoài, chấp nhận có sự phân biệt đối xử, chấp nhận kỳ thị để khi bị đối mặt với thực tế không bị sốc. Thay vì viễn vông vọng vào sự bình đẳng trong tiền lương giữa người Nhật và người nước ngoài thì nên xêm mức lương cơ bản được đề cập trong đơn tuyển dụng có đáp ứng được nhu cầu chi tiêu tối thiểu của bản thân và gia đình hay không để đưa ra quyết định có đi hay không.

Kỳ vọng vào sự bình đẳng trong đãi ngộ lương bổng tại Nhật chỉ đưa lại thất vọng. Mơ mức lương cao để rồi bất mãn chỉ rước lấy bực bội đau khổ cho bản thân mà thôi. Sự chênh lệch giữa tiền lương của người nước ngoài và người Nhật tại Nhật Bản là một thực tế khó có thể thay đổi một sớm một chiều.

Đọc đến đây có người sẽ nghĩ đến chuyện do bị môi giới thu phí cao nên qua đến Nhật muốn có lương cao để bù vào. Nhưng cách giải thích này cũng không hợp lý bởi lẽ phí môi giới thu được báo trước khi đi Nhật. Mức lương cơ bản cũng được biết trước. Người lao động cần căn cứ vào đó để tính toán chi tiêu. Môi giới hay công ty cũng như chính phủ Nhật không thể đảm bảo đáp ứng nhứng mong muốn do người lao động tính toán dựa vào những thông tin mơ hồ về số giờ tăng ca, về mức lương khủng nào đó được đăng trên mạng xã hội.

Trừ một số ít trường hợp có thể tự qua Nhật được mà không cần qua bên thứ ba thì đa số trường hợp đều phải qua môi giới, trung gian. Vì vậy, môi giới cũng là một thực thể người lao động phải chấp nhận như một kiểu “ qua sông thì phải luỵ đò” khi muốn qua Nhật. Một khi Nhật còn tiếp nhận lao động nước ngoài thì các tổ chức môi giới trung gian vẫn tồn tại. Công ty và người lao động vẫn phải chi trả một khoản phí cho các tổ chức này. Điều này cũng góp phần tạo ra sự chênh lệch giữa lương của lao động người nước ngoài và người Nhật.

6/ Lời kết:

Do vị trí địa lý cách biệt với bên ngoài nên Nhật Bản có một nền văn hoá đặc biệt. Từ xa xưa người Nhật đã có quan niệm khá rạch ròi về quan hệ trên dưới, trong ngoài, chủ khách. Sau cải cách Minh Trị và đặc biệt là sau chiến tranh thế giới lần thứ hai Nhật Bản đã cải cách xã hội theo hướng Âu hoá nhưng không vì thế mà lối suy nghĩ phân biệt đối xử với người nước ngoài của người Nhật giảm đi. Đối với đa số người Nhật người nước ngoài là cái gì đó “ đáng sợ”. Lối suy nghĩ này đã tạo nên gốc rễ sự phân biệt trong đãi ngộ với lao động người nước ngoài.

Đồng thời sự khác biệt về văn hoá, lối sống như quan niệm về cách làm việc, về sự gắn bó với công ty và bức tường ngôn ngữ đã tạo nên sự khác biệt giữa lao động người nước ngoài và lao động người Nhật. Chính sự khác biệt này đã trực tiếp sản sinh ra sự chênh lệch trong đãi ngộ giữa hai nhóm lao động. Chừng nào còn yếu tố “ nước ngoài” thì chừng đó sẽ còn sự khác biệt đãi ngộ. Lao động người nước ngoài muốn cải thiện vấn đề này thì chỉ còn cách là tự nâng cao giá trị bản thân bằng cách trau dồi tiếng Nhật, khả năng chuyên môn, cũng cố kiến thức về đời sống văn hóa tại Nhật để sớm được phía công ty “công nhận” mà thôi.

About ADMIN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *