Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động (NLĐ), Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu 8 DN bị thu hồi, nộp lại giấy phép phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động.
Ngày 24.6, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết vừa có văn bản gửi Tổ chức thực tập kỹ năng Nhật Bản (OTIT) thông báo về việc đưa 8 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ) ra khỏi danh sách DN VN được chứng nhận đưa lao động sang Nhật Bản.
Trong số 8 DN này, có 4 đơn vị bị thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động (NLĐ) VN đi làm việc ở nước ngoài do vi phạm các quy định tại luật NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, gồm: Công ty CP liên kết nhân lực Việt Nhật (Viet Nhat HR), Công ty CP thương mại và đầu tư JV-System (JV-System), Công ty CP Hữu Nghị Bắc Giang (Hutraserco), Công ty CP vật tư thiết bị giao thông (Transmeco).
Bốn DN còn lại bị thu hồi, yêu cầu nộp lại giấy phép do dừng hoạt động XKLĐ, gồm: Công ty TNHH dịch vụ quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco), Công ty CP cung ứng và xuất nhập khẩu lao động hàng không (Alsimexco.,JSC), Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco No. 1), Tổng công ty hàng hải Vinalines (Vinalines).
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu 8 DN đã bị thu hồi, nộp lại giấy phép phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực theo quy định tại luật NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trước đó, ngày 10.6, Bộ LĐ-TB-XH cũng đã ban hành quyết định thu hồi giấy phép XKLĐ của Tổng công ty thủy sản Hạ Long, do công ty này không thực hiện phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo quy định.
Theo: Báo Thanh Niên